Lần đầu đọc Nguyễn Huy Thiệp.

Đã mấy tháng qua tôi không viết một chút gì.

Thật sự cũng rất muốn viết về thứ này thứ kia, nhưng khi có hứng thì lại không rảnh,  lúc rảnh thì cảm hứng lại bay đâu mất.

Đầu óc lúc thì đông cứng như đá không nghĩ được gì, lúc lại loãng ra như nước trôi đi đâu mất hút.

Tôi vẫn đọc sách, nghe nhạc, xem film, đi làm, đi chơi, gặp bạn bè, người yêu, vẫn thấy bên trong có gì đó thôi thúc mình, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, và sẽ làm gì cả.

Chỉ đến trưa hôm nay, một trưa Chủ nhật như lệ thường, ăn trưa xong tôi lên phòng nghe nhạc và đọc sách.

Mở Paulo Nutini , nhạc dễ chịu, êm đềm và đọc “Không Có Vua” của Nguyễn Huy Thiệp.

Dẫu đã được anh Lĩnh nhắc đến từ lâu, và nhắc khá nhiều lần là “em phải đọc Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Việt Hà…” nhưng đến tận đầu tháng rồi tôi mới mua được sách của Nguyễn Huy Thiệp.

“Không Có Vua” là 1 tuyển tập các truyện ngắn, thể loại mà vốn dĩ trước nay tôi không thích đọc vì nghĩ rằng nó cứ … tủn mủn, rời rạc, không xuyên suốt, liên kết và chứa đựng nhiều như truyện dài hay tiểu thuyết. Nhưng ngay trong chính thời điểm này, đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại cực kỳ thích hợp với tôi.

Vì là truyện ngắn nên tôi cứ nhẩn nha đọc, không vội vàng, không ngốn hay “nuốt” sách, và mỗi lúc đọc, cảm xúc lại một dầy thêm.

Chính vì thế, đến trưa nay, khi đã đọc được 1 nửa cuốn sách, tôi mới quyết định viết ra cảm xúc của mình.

Đọc “Không Có Vua” tôi được cảm nhận, hình dung 1 cách chậm rãi và rõ nét những sinh hoạt, đời sống của con người lao động, lẫn trí thức vùng nông thôn và thành thị miền Bắc, nơi quê hương mình.

Bố mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn miền Bắc. Nhưng tôi lại sinh ra và lớn lên ở thành thị Sài Gòn. Vì vậy dù cho tôi tự hào mà nói rằng mình được hưởng thụ những gì văn minh, tân tiến và hiện đại của xã hội đương thời nhưng chưa bao giờ tôi quên gốc gác của mình là vùng nông thôn miền Bắc.

Giờ đây khi đọc “Không Có Vua”, tôi thấy lại được những hình ảnh khá thân thuộc mà tôi đã từng thấy mỗi khi về thăm quê, nhưng giờ đây là dưới 1 lăng kính khác.

Các truyện ngắn trong “Không Có Vua” đa số được Nguyễn Huy Thiệp viết trong giai đoạn từ 1982 – 1988. Đó là giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, xã hội đang chuyển mình giữa 2 mảng sáng tối. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp tập trung khai thác mảng tối nhiều hơn. Bối cảnh xã hội, làng quê, nông thôn hiện lên vẫn có nắng, có mưa, có niềm vui, bất hạnh nhưng lẩn trong đó là những uất ức, trầm buồn, cay đắng và tủi hổ.

Nguyễn Huy Thiệp viết như kể chuyện, cách kể chuyện như kiểu ông bà, người già ngày xưa hay kể lại cho con cháu nghe, qua lời kể đó, mọi diễn biến, hình ảnh hiện lên đều rất chân thật, mộc mạc đến mức hơi thô tục, nhưng đầy nhân văn, và cao đẹp.

Ẩn chứa trong những trang viết đó, là những chiêm nghiệm, triết lý sâu xa về thân phận con người, về bản chất và lối sống ở đời, về những bi kịch và những nỗi đau.

Đọc “Không Có Vua” của Nguyễn Huy Thiệp, và chợt ngẫm lại thời buổi bây giờ, xã hội Việt Nam hiện tại, thấy mọi thứ vẫn chẳng đổi thay bao nhiêu về bản chất.

Tôi xin trích một đoạn trong truyện ngắn “Những Bài Học Nông Thôn” để làm minh chứng:

Anh Triệu nằm ngả trên bãi cỏ xanh. Anh bảo: “Nằm xuống đây. Chú ở thành phố, thế chú có khinh người nhà quê không?” 

Tôi bảo: “Không”

Anh Triệu bảo: “Ừ. Đừng khinh họ. Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn mang học vấn chúng ta đều mang trọng tội. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ, lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tuỷ, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh… Chú có hiểu không? Tim tôi ứa máu. Bao giờ tôi cũng nói rằng: mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn…” 

Anh Triệu bảo: “Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiểu rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là TỰ DO.

Đọc “Không Có Vua” có những lúc tôi cười phá lên hăng hắc. Lại có lúc tôi thấy chua chát và buồn. Và rất nhiều lúc tôi phải gấp ngay sách lại dù đang dọc giữa chừng, vì thấy uất quá, thấy quá bất công và đau lòng… Và tôi thấy rung động khi đối diện với những cảm xúc rất “con người”, rất trần tục và thật thà của người dân lao động. Họ ít chữ nghĩa, ít học vấn, ngu muội và thô thiển, nhưng thật thà và rất đáng thương.

Tôi tự hỏi, cho đến bao giờ thì một trong những truyện ngắn của ông sẽ được đưa vào sách giao khoa, được giảng dạy, để các thế hệ con em sau này, không bị những phù du, phù phiếm hay ảo tưởng về cuộc đời, để nhận ra đâu là chân giá trị, để biết buồn, biết thương cho người khác.

Đọc Nguyễn Huy Thiệp, không phải để chìm đắm hay khám phá điều gì, mà chỉ đơn giản là để tìm về, để thấm thía, và nhận ra.

Nhận ra rằng mình vẫn sống mà thật ra chưa sống.

Chưa sống thật sự một chút nào.

9 thoughts on “Lần đầu đọc Nguyễn Huy Thiệp.

  1. “Tôi tự hỏi, cho đến bao giờ thì một trong những truyện ngắn của ông sẽ được đưa vào sách giao khoa, được giảng dạy, để các thế hệ con em sau này, không bị những phù du, phù phiếm hay ảo tưởng về cuộc đời, để nhận ra đâu là chân giá trị, để biết buồn, biết thương cho người khác”.

    rất là ok!

  2. Tôi, Hồ Cảnh Hưng, đã nhiều lần bâng khuâng tự hỏi nếu bây giờ đem văn chương Nguyễn Huy Thiệp vào giảng dạy trong nhà trường thì ta nên chọn truyện ngắn nào. Thực tế không có sự lựa chọn nào làm cho tôi hài lòng được, vì thật khó chọn truyện này mà bỏ qua truyện kia. Giữa các truyện “Những bài học nông thôn”, “Thương nhớ đồng quê”, “Con gái thủy Thần”, “Những người thợ xẻ”, “Những ngọn gió Hua tát” v.v… tôi không thể chọn được một mà chỉ muốn chọn hết vì chúng đều là những kiệt tác có thể đem vào nhà trường giảng dạy cả. Truyện “Muối của rừng” thì chọn cho khoảng lớp 7 lớp 8 là vừa. Ngày nay và ít lâu sau, các luận văn những sinh viên các khoa ngữ văn từ các trường đại học sẽ dần dần hình thành nên một bộ môn Nguyễn Huy Thiệp, và chỉ ở đây những giá trị thực sự của nhà văn mới được khám phá và khẳng định. Một số dư luận của các thế hệ nhà văn lớp trước có vẻ đã làm hỏng sự cảm thụ chân thực văn chương Nguyễn Huy Thiệp, ngay cả những người Trần Đăng Khoa. Không lâu sau nữa, bằng sự cảm thụ tác phẩm độc lập và bằng trái tim trong sáng, chân thực và dũng cảm, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ khám phá thêm nhiều tầng nữa, sâu hơn về các tác phẩm của nhà văn.
    Sự khám phá và khẳng định chân giá trị các tác phẩm của nhà văn vĩ đại này của chúng ta, tôi nghĩ nó có chung tiến trình với sự tiến bộ của văn hóa đại chúng (hiểu nôm na là dân chủ, vương quyền, trí tuệ của người dân).
    Với sự dè dặt ngày nay, ngay cả “Muối của rừng” đem vào giảng dạy ở cấp 3 còn chưa được thực hiện, nhưng theo tôi, trình độ của một học sinh lớp 9, lớp 10 ngày nay, đến cả “Còn lại một tình yêu” các em cũng có thể hiểu được sâu sắc trong tận đáy lòng. Sự hiểu biết này sẽ có giá trị tích lũy lợi ích rất lớn cho cuộc đời, lương tâm của các em (tức là lợi ích chân thực của các em), và cho cả định hướng giáo dục ví như lòng yêu đồng bào, yêu tổ quốc, – vì thực tế, tác động của văn chương lên con người không biện luận được. Chỉ có thể lấy ví dụ: bắt các em học thuộc các bài thơ, bài văn ca ngời tổ quốc, yêu thương con người, nhưng chưa chắc hiệu quả thực tế nó đã như nội dung đó. Để các em tự khám phá về lòng yêu nước, trình bày theo kiểu nhân vật Nguyễn Thái Học này, thì có thể lòng yêu nước, thương dân của các em lại được hình thành.
    Krishnamurti: “Tôi trình bày như thế có rõ không?” Người không có học thức và trí óc, nhưng tôi có linh cảm và tin vào những người nào đó trong sự trích dẫn này: Anh Triệu bảo: “Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía.
    Bạn thân ơi, tôi ôm mặt khóc dài

    • Hi Ho Canh Hung ,
      ban viet hay ve Nguyen Huy Thiep .
      Neu co the , ban hay thanh lap 1 club or website Nhung nguoi trung thuc , dung cam me van Nguyen Huy Thiep va nhung tac pham van hoc chan chinh khong quy chup chinh tri . Xh Viet Nam dang rat can nhung gia tri van hoa nhan ban nhu vay.

      • Hi Hung Tran, tôi cũng định sẽ lập một website rồi qua đó tìm kiếm những tác giả lớn để phục vụ. Nhưng còn chờ thời thế nữa. Hiện tại thì các cây bút mới trong nuớc hình như chưa trình làng những tác phẩm mới. Hiện tại thì các website văn học tôi biết có hai ba web như của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, eVan. Nhà văn NHT có website nhưng có lẽ là không do NV NHT quản lý. Hồi năm truớc tôi có làm một công trình nghiên cứu các tác phẩm NHT, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Việt Hà nói chung là tôi đọc để qua đó có thể viết tiểu luận, phê bình rồi cũng qua đó, tìm hiểu về văn học nhưng các bài viết của tôi câu văn lủng củng không hoàn thành đuợc. Về việc giá trị văn học thì hiện nay tôi nghĩ là đang khủng hoảng. Khủng hoảng thì nguời ta đọc triết học hoặc sẽ đi học tìm vào trong thiên nhiên những nguồn lợi dưỡng cho tâm hồn, khi việc này có thành tựu thì mới mở ra một phong trào văn học mới đuợc. Việc lập các câu lạc bộ những nguời yêu sách cũng là một ý kiến hay. Nhưng bây giờ có lớp đào tạo chứng chỉ viết văn ở đâu truớc nhất tôi nghĩ tôi phải đi học một khóa, rồi ước mơ mới thực hiện đuợc. Không học hành, tự đọc tự hiểu thì chắc bạn cũng biết con nguời ta không ai dám nói, dám tranh luận và đưa ra ý kiến. Việc thành lập một CLB những người đồng sở thích lâu nay vốn là ước mơ của tôi, bởi có như vậy sau khi ta viết ra một cái gì, đưa ra một ý kiến gì rồi nhờ bạn bè, những người cùng sở thích đọc trước thì ta mới hiểu được và hoạt động được, chứ cứ viết ra rồi chẳng biết nó là gì thì cũng thua, nên nếu có các CLB VH thì mình sẽ tham gia. Thời gian tới tôi cũng định sẽ kêu gọi một cuộc đột phá mới trong văn học. Cơ sở triết học rất quan trọng để làm việc này. Tôi nhận thấy trong văn NHT có nhiều yếu tố đi vào tương lai và muốn nghiên cứu kỹ việc này làm cơ sở. Nhưng tiếc là sự hiểu thì dễ còn viết ra thành câu thành cú, thành văn bản thì khó quá. Sự chia sẻ của các bạn quan tâm tới tình hình văn học như bạn Hung Tran là rất quý đối với chúng tôi. Còn việc chính trị thì tôi nghĩ nó không phải là nhân mà nó là quả của người VN. Người Việt sống làm sao thì chính trị ra làm vậy. Đọc một tác phẩm văn chương hay ta thấy ở đó có cả một hệ thống văn hóa – được thực hiện trên lời nói, cái nền cốt của các ứng xử nhân vật, v.v… nếu văn học làm được các việc của nó thì cũng có một thành tựu cơ bản về mặt chính trị. Mà văn học bây giờ phụ thuộc vào người đọc, vào các nhà văn trẻ, những người thừa kế…

  3. Hi, chào bạn! Không viết cái gì để blog tụt hạng dữ zạ? Đọc hiểu hai tác phẩm Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua rồi viết cảm nghĩ đi.
    Hoan hô những nhà văn trẻ, những nhà văn lớn có tác phẩm hay! Hoan hô!
    Viết văn là việc khó khủng khiếp
    Hồ Cảnh Hưng

  4. Hoan hô nhà văn NGuyễn Huy Thiệp có Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua. Hoan hô!
    Hoan hô nhà văn Nhã Thuyên, Hoan hô nhà văn Bảo Ninh, Hoan Hô nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hoan hô!
    Hoan hô nhà văn Nguyễn Phương Lan. Hoan hô!
    Hoan hô nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, hoan hô Vi Thùy Linh. Hoan hô!
    Hoan hô nhà thơ Nguyễn Quang Thiều những ngày qua. Hoan hô Vong bướm. Hoan hô!
    Hoan hô nhà văn Nguyễn Việt Hà viết vô cùng nguy hiểm. Hoan hô!
    Hoan hô Nghệ Thuật Mới. Hoan hô!
    “Nếu không thành nhà văn, thề chết không nhắm mắt”
    Hoan hô!

  5. ở đời không gì vui sướng hơn được ngồi viết một cuốn sách, một bài viết nói lên những cảm nghĩ của mình trước dòng đời, trước cuộc sống.
    viết văn là thuật dưỡng tâm, là việc để sống vui.
    viết là để ngẫm nghĩ, để trao đổi với người
    Viết để học Đạo, viết vì mình đang sống.
    Nhìn ngươi kia kìa, mặt mày lấm lút
    Vì không có tiền mà cãi vả, đánh nhau
    Vui gì hơn đêm đêm đốt đèn đọc sách
    bên ngọn đèn đêm, bên ngọn đèn dầu.

    Khi người viết về tình yêu của người ư? thánh thần sẽ che chở
    người viết từ lương tâm, từ lòng thành của người ư? hộ pháp sẽ độ trì
    sống và viết để cân nhắc mình sống tốt
    Viết phải cao hơn, cao hơn mọi hận thù.

    Viết vì lòng bao dung và độ lượng
    Như dòng nước mắt của em kìa, cao quý nhường bao
    Ôi ta muốn đem trái tim ta tan nát
    Dâng tặng người ta yêu, dâng tặng cuộc đời

Gửi phản hồi cho Hồ Cảnh Hưng Hủy trả lời